- Bài viết

- Quản lý dòng tiền
- Kích hoạt tăng trưởng
Thực hiện và chấp nhận thanh toán quốc tế
Có rất nhiều phương thức thanh toán khi kinh doanh quốc tế, nhưng phương thức mà quý khách lựa chọn cần phải phù hợp với quan hệ thương mại với đối tác ở nước ngoài và mức độ rủi ro mà một doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận
Ở mức độ cơ bản, kinh doanh quốc tế không khác biệt so với giao dịch trong nước, ngoại trừ việc giao dịch với các doanh nghiệp có trụ sở tại thị trường nước ngoài, việc nhận và thực hiện thanh toán có thể phức tạp hơn.
Các giải pháp thanh toán
Trong thương mại quốc tế, phương thức thanh toán được sử dụng có ảnh hưởng đáng kể các nguồn tài chính cần thiết và mức độ rủi ro dự kiến.
Các giải pháp thanh toán quốc tế gồm có:
- Thanh toán trả sau
- Nhờ thu kèm chứng từ
- Thư tín dụng hoặc tín dụng chứng từ
- Thanh toán trả trước.
Thang rủi ro
Thanh toán trả sau tương tự như cung cấp tín dụng cho một khách hàng trong nước. Thông thường, thời hạn tín dụng (ví dụ 30 ngày) bắt đầu khi hàng hóa được gửi đi và hóa đơn được lập, phù hợp với các điều khoản thương mại.
80% thương mại toàn cầu là trên cơ sở thanh toán trả sau – đó là phương pháp thanh toán đơn giản và ít tốn kém nhất, nhưng còn phụ thuộc vào mức độ tin tưởng vào khả năng/sự sẵn sàng chi trả của đối tác thương mại.
Nhiều doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế với một giao dịch nhỏ, vận chuyển hàng hóa với phương thức thanh toán trả sau, gửi hóa đơn và nhận được tiền thanh toán trong vòng 30 ngày. Với giải pháp này, các doanh nghiệp chịu rủi ro khi cung cấp một số tiền tín dụng nhỏ trong khi chờ thanh toán.
Khi có nhiều đơn hàng và mối quan hệ kinh doanh phát triển, các cơ hội tăng lên, song rủi ro cũng tăng theo. Các công cụ thương mại khác như thư tín dụng, hóa đơn nhập khẩu và bảo hiểm tín dụng thương mại, giúp giảm thiểu nhiều rủi ro hơn trong khi phát triển các mối quan hệ và sự tin tưởng.
Các hình thức giao dịch
Đối với mỗi giao dịch, phương thức thanh toán thích hợp nhất sẽ phụ thuộc vào mức độ rủi ro liên quan, đòn bẩy thương mại của mỗi bên và chi phí tài chính liên quan của nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu.
Nhờ thu kèm chứng từ
Nhờ thu kèm chứng từ, trong đó có lập một hối phiếu, cho phép nhà xuất khẩu giữ quyền kiểm soát hàng hoá và nâng cao tài chính bổ sung. Nhờ thu kèm chứng từ thường được sử dụng bởi các nhà xuất khẩu bán hàng cho các nhà nhập khẩu mà họ có quan hệ từ trước.
Có nhiều kiểu nhờ thu kèm chứng tư kết hợp. Một kiểu biến thể của nhờ thu kèm chứng từ là một ngân hàng ở nước ngoài, đại diện cho ngân hàng của bên xuất khẩu, sẽ chỉ cung cấp các tài liệu cần thiết cho bên nhập khẩu để sở hữu hàng hóa khi bên nhập khẩu chính thức chấp nhận các điều khoản của hối phiếu. Tuy nhiên, bên xuất khẩu vẫn phải chịu rủi ro là bên nhập khẩu sẽ không thanh toán hối phiếu khi đến hạn. Mặt khác chi phí cho nhờ thu kèm chứng từ thấp hơn so với thư tín dụng (xem phần dưới).
Song không phải tất cả việc nhờ thu kèm chứng từ đều bao gồm một hối phiếu để bên mua chấp nhận. Một số khoản nhờ thu kèm chứng từ được thanh toán ngay, vì vậy không có hối phiếu và bên mua chịu rủi ro thấp (nhưng không phải là không có) trong việc nhận được hàng hóa trước khi phải trả tiền cho số hàng hóa đó. Các kiểu nhờ thu kèm chứng từ khác yêu cầu ngân hàng của người mua chấp nhận hoặc bảo lãnh hối phiếu do ngân hàng của người bán phát hành, do đó người bán chịu rủi ro tín dụng đối với ngân hàng của người mua, chứ không phải người mua.
Thư tín dụng
Thư tín dụng (hoặc tín dụng chứng từ) là phương thức thanh toán an toàn (trừ thanh toán trả trước). Bên nhập khẩu thu xếp mở một thư tín dụng (LC) với ngân hàng của mình (ngân hàng phát hành), và ngân hàng này sẽ thanh toán cho ngân hàng đại lý (ngân hàng thông báo) khi bộ chứng từ đã được trình. Điều quan trọng cần lưu ý là LC không phải là một đảm bảo thanh toán tuyệt đối và tự động. Ngân hàng sẽ chỉ thanh toán nếu nhà xuất khẩu trình đầy đủ bộ chứng từ trước ngày thư tín dụng hết hạn.
Thư tín dụng thường được sử dụng đối với việc xuất khẩu cho các khách hàng mới. Chúng giúp bảo đảm cho các nhà xuất khẩu rằng họ sẽ được thanh toán (tùy theo việc họ trình bộ chứng từ đầy đủ trong khoảng thời gian phù hợp) và bảo đảm cho các nhà nhập khẩu rằng họ thực sự sẽ nhận được số hàng hóa mà họ đặt mua. Tuy nhiên, các mẫu LC đơn giản nhất không có các điều khoản bảo vệ nhà xuất khẩu tránh các rủi ro như ngân hàng phát hành bị vỡ nợ hay rủi ro của quốc gia (ví dụ chính phủ nước nhập khẩu thay đổi luật pháp khiến không thể thực hiện thanh toán LC). Do đó, các nhà xuất khẩu có thể nhận thấy rất nên thảo luận với các ngân hàng của mình về các phương án lựa chọn bổ sung đối với LC (ví dụ như xác nhận) để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Thanh toán trước
Thanh toán trước toàn bộ hoặc một phần thường được thực hiện đối với các thương vụ có giá trị thấp, với đối tác là cá nhân hoặc khách hàng mới. Mặc dù đây là lựa chọn bất lợi nhất đứng từ quan điểm của người mua, song các doanh nghiệp mới khởi nghiệp thường áp dụng thanh toán trước thông qua thẻ tín dụng. Nhiều trang web sử dụng bộ xử lý thanh toán trực tuyến như PayPal, Google Checkout hoặc WorldPay để cung cấp một phương thức thanh toán tiện lợi cho cả người mua và người bán. Điều quan trọng cần lưu ý là có sự khác nhau đáng kể giữa các bộ xử lý thanh toán về mức độ bảo vệ và giải quyết tranh chấp.
Kết luận
- Tạo thế cân bằng về mức độ chấp nhận rủi ro giữa nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu là một phần cần thiết của việc thỏa thuận phương thức thanh toán áp dụng cho các giao dịch thương mại quốc tế.
- Có nhiều giải pháp thanh toán, và tất cả đều có rủi ro và chi phí khác nhau.
- Đối với những người mới tham gia, có thể rất khó khăn để biết rõ loại thanh toán nào phù hợp với một giao dịch cụ thể.